CÔNG TY LUẬT TNHH SAO THỦ ĐÔ
Luôn đồng hành cùng bạn
Tổng đài tư vấn
0946661816Luôn đồng hành cùng bạn
BÀI VIẾT & HỎI ĐÁP
Người lao động tự ý nghỉ việc không báo trước có phải bồi thường cho người sử dụng lao động không
Người lao động tự ý nghỉ việc là trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật, người lao động phải có các nghĩa vụ sau: Không được hưởng trợ cấp thôi việc và phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động; phải hoàn trả phí đào tạo cho người sử dụng lao động...
Tự ý nghỉ việc có phải là hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động không?
Pháp luật lao động Việt Nam quy định về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động tại Điều 37 BLLĐ 2015, theo đó việc tự ý nghỉ việc không là dấu hiệu, là căn cứ của hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động.
Một dấu hiệu đặc trưng, cơ bản của hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động là phải có việc thông báo cho người sử dụng lao động biết trước về việc nghỉ việc đó. Khoản 2, 3 Điều 37 BLLĐ 2015 quy định cụ thể về việc thông báo trước như sau:
“2. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 1 Điều này, người lao động phải báo cho người sử dụng lao động biết trước:
a) Ít nhất 3 ngày làm việc đối với các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và g khoản 1 Điều này;
b) Ít nhất 30 ngày nếu là hợp đồng lao động xác định thời hạn; ít nhất 03 ngày làm việc nếu là hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng đối với các trường hợp quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 Điều này;
c) Đối với trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều này thời hạn báo trước cho người sử dụng lao động được thực hiện theo thời hạn quy định tại Điều 156 của Bộ luật này.
3. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày, trừ trường hợp quy định tại Điều 156 của Bộ luật này.”
Như vậy, đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn hay hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng thì việc thông báo trước với người sử dụng lao động về việc nghỉ việc là yếu tố bắt buộc cấu thành hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động.
Pháp luật hiện nay chưa quy định việc thông báo bằng hình thức nào nên người lao động có thể thông báo qua lời nói, qua email hoặc bằng văn bản... về lý do và thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động của mình. Thông thường, khi người lao động đơn phương xin nghỉ việc phải có đơn xin nghỉ việc bằng văn bản và được sự xác nhận của người sử dụng lao động. Sự xác nhận của người sử dụng lao động là căn cứ để tính thời gian báo trước cho người lao động. Nếu chưa có căn cứ để xác định thời điểm người lao động xin nghỉ việc thì chưa thể coi đó là trường hợp người lao động có hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Vì vậy, khi người lao động tự ý bỏ việc, không đến công ty làm, không viết đơn xin phép nghỉ, người sử dụng lao động không thể liên hệ được với người lao động… thì được coi là người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật.
Người lao động tự ý nghỉ việc không báo trước có phải bồi thường cho người sử dụng lao động không?
Trong trường hợp này, người lao động phải có các nghĩa vụ sau:
- Không được hưởng trợ cấp thôi việc và phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động;
- Nếu vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người sử dụng lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước;
- Phải hoàn trả phí đào tạo cho người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 62 của Bộ luật lao động.
Luật gia: Đỗ Thị Mỹ Hạnh
-------------------------------------------------------
Bản quyền nội dung bài viết thuộc Công Ty Luật TNHH Trung Nam Thái. Nghiêm cấm mọi hành vi sao chép khi chưa có sự đồng ý từ chúng tôi.