CÔNG TY LUẬT TNHH SAO THỦ ĐÔ
Luôn đồng hành cùng bạn
Tổng đài tư vấn
0946661816Luôn đồng hành cùng bạn
BÀI VIẾT & HỎI ĐÁP
NHỮNG TRƯỜNG HỢP KHÔNG ĐƯỢC HƯỞNG DI SẢN THỪA KẾ
Anh Nguyễn T. B (41 tuổi ở Đông Hưng, Thái Bình) có câu hỏi gửi đến Công ty Luật Sao Thủ Đô nhờ giải đáp:
Tôi đã xem được bài viết của Công ty chia sẻ về Người được hưởng di sản thừa kế theo pháp luật. Vậy cho tôi hỏi Những trường hợp nào không được quyền hưởng di sản thừa kế?
Cám ơn anh B đã theo dõi và gửi câu hỏi đến Luật Sao Thủ Đô, Luật gia Lê Tiến Đức - thuộc Công ty Luật TNHH Sao Thủ Đô xin đưa ra quan điểm trả lời như sau:
Khái niệm về Người thừa kế được quy định tại Điều 613 BLDS 2015 như sau: “Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế”.
Có thể thấy rằng, người thừa kế là người được hưởng di sản theo di chúc hoặc theo quy định của pháp luật.
Người thừa kế là cá nhân, thì phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc nếu là người được sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế thì phải đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trong trường hợp người thừa kế theo di chúc là cơ quan, tổ chức thì cơ quan, tổ chức đó phải đang còn tồn tại hợp pháp vào thời điểm mở thừa kế.
Những người không được quyền hưởng di sản thừa kế
Theo quy định tại Điều 621 BLDS 2015 thì những người không được quyền hưởng di sản gồm:
– Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó.
Đây là trường hợp người có quyền hưởng di sản thừa kế cố ý có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó. Những hành vi đó đã bị Tòa án có thẩm quyền kết án bằng một bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật.
– Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản. Bị coi là vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng để lại di sản khi người đó có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng với người mà người đó có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật nhưng cố ý từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng làm cho người đó lâm vào tình trạng khổ sở hoặc nguy hiểm đến tính mạng thì không có quyền hưởng di sản của người đó để lại.
Đối với trường hợp này, một người chỉ có thể bị tước quyền hưởng di sản khi có đủ cơ sở để khẳng định họ vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản. Nếu không có cơ sở thì người đó vẫn được quyền hưởng di sản.
– Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng.
Khác với trường hợp xâm phạm đến người để lại di sản, ở đây người thừa kế chỉ bị tước quyền hưởng di sản khi có hành vi xâm phạm đến tính mạng của người thừa kế và việc này nhằm hưởng một phần di sản. Cũng như trường hợp thứ nhất, người có các hành vi này phải bị kết án và phải là hành vi cố ý thì mới bị mất quyền hưởng di sản.
– Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.
Quyền lập di chúc để định đoạt tài sản chính là quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu khi còn sống. Hành vi cản trở đối với người lập di chúc là hành vi trái pháp luật. Do vậy, người có hành vi cản trở sẽ bị tước quyền hưởng di sản do người có di sản để lại. Giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản. Điều đó có nghĩa là nếu thực hiện những hành vi trên mà không trái với ý chí của người chết thì người này không bị tước quyền thừa kế.
Như vậy, những người nêu trên vẫn được hưởng di sản, nếu người để lại di sản đã biết hành vi của những người đó, nhưng vẫn cho họ hưởng di sản theo di chúc.
Những người bị người để lại di sản thừa kế truất quyền thừa kế
Theo quy định tại Điều 626 BLDS 2015 thì người lập di chúc có quyền truất quyền hưởng di sản của người thừa kế.
Qua đó có thể hiểu, truất quyền thừa kế là việc người để lại di sản thừa kế không muốn để lại phần tài sản của mình cho một người nào đó và ý chí này được ghi vào di chúc hợp pháp. Đây là quyền của người để lại di chúc.
Đồng nghĩa với đó là người bị truất quyền thừa kế là người không được hưởng di sản thừa kế theo di chúc. Đồng thời, việc truất quyền thừa kế của một người nào đó cũng liên quan đến việc chia di sản thừa kế theo pháp luật theo quy định tại khoản 3 Điều 651 BLDS 2015 như sau: “Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản”.
Như vậy, chỉ có một trường hợp duy nhất bị truất quyền thừa kế là do ý chí của người để lại di chúc. Đây là một trong những quyền của người để lại di sản thừa kế. Mặc dù khi bị truất quyền thừa kế thì không được hưởng di sản thừa kế theo di chúc nhưng để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho một số đối tượng yếu thế, quy định tại Điều 644 BLDS 2015 vẫn để cho những người được hưởng di sản thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc, bao gồm: Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng, con thành niên mà không có khả năng lao động.
Những người này vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba của một suất nếu di sản được chia theo pháp luật.
Trên đây là quan điểm giải đáp của Luật gia Lê Tiến Đức - thuộc Công ty Luật TNHH Sao Thủ Đô về Những trường hợp không được hưởng di sản thừa kế. Nếu có bất kỳ vướng mắc nào có liên quan cần giải đáp, vui lòng liên hệ số hotline: 094.666.1816 để được hỗ trợ trực tiếp.
DỊCH VỤ PHÁP LÝ TIÊU BIỂU
DỊCH VỤ PHÁP LÝ TIÊU BIỂU
- Các bước khai nhận, phân chia di sản thừa kế
- Các trường hợp cháu được thừa kế tài sản của ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại
- Tai sao bản án phúc thẩm TAND thành phố HN sửa bản án sơ thẩm TAND quận BĐ
- NHỮNG TRƯỜNG HỢP KHÔNG ĐƯỢC HƯỞNG DI SẢN THỪA KẾ
- DI SẢN THỪA KẾ LÀ GÌ? XÁC ĐỊNH DI SẢN THỪA KẾ NHƯ THẾ NÀO?
- BIÊN BẢN PHIÊN HỌP VỀ KIỂM TRA GIAO NỘP, TIẾP CẬN, CÔNG KHAI CHỨNG CỨ VÀ HOÀ GIẢI CẦN NHỮNG NỘI DUNG GÌ?
- Luật sư, Tổ chức hành nghề luật sư có thể bị phạt từ 7.000.000 VND đến 15.000.000 VND?