CÔNG TY LUẬT TNHH SAO THỦ ĐÔ
Luôn đồng hành cùng bạn
Tổng đài tư vấn
0946661816Luôn đồng hành cùng bạn
BÀI VIẾT & HỎI ĐÁP
ĐÒI NỢ BẤT HỢP PHÁP CÓ THỂ BỊ TRUY TỐ VỀ TỘI CƯỚP TÀI SẢN VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN LƯU Ý
Gần đây, Công ty Luật TNHH Sao Thủ Đô đã tiếp nhận một số trường hợp người dân đòi nợ trái pháp luật dẫn đến vướng vào lao lý, thậm chí bị khởi tố về tội cướp tài sản theo Điều 168 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 (BLHS 2015).
Vậy chủ nợ cần lưu ý như nào để đòi nợ đúng Pháp luật để tránh việc đòi nợ trái pháp luật bị truy tố về tội cướp tài sản đang diễn ra phổ biến hiện nay.
Thực tế hiện nay thì các quan hệ tranh chấp về tài sản như vay nợ, cho mượn, cho thuê, nợ tiền công… diễn ra khá phổ biến. Đây là quan hệ dân sự, nếu xảy ra tranh chấp pháp luật đã quy định cách thức xử lý, các bên có thể thương lượng, hòa giải hoặc khởi kiện ra Tòa án nhân dân nhưng một số chủ nợ đã thiếu kiên nhẫn, đòi nợ sai cách dẫn đến vướng vào vòng lao lý đó là bị truy tố về tội cướp tài sản.
Trước hết, tôi xin phân tích dấu hiệu cướp tài sản theo điều 168 BLHS 2015
Theo quy định của Điều 168 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì phải thỏa mãn hai dấu hiệu bắt buộc là có hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực hoặc có hành vi khác làm cho người tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự và phải có mục đích chiếm đoạt tài sản mới cấu thành tội “Cướp tài sản”. Hành vi chiếm đoạt tài sản được hiểu là hành vi mong muốn dịch chuyển tài sản của người khác thành tài sản của mình trái pháp luật và trái với ý chí của chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản. Do đây là tội cấu thành hình thức, tội phạm được hoàn thành từ thời điểm người phạm tội thực hiện một trong các hành vi khách quan được mô tả trong cấu thành tội phạm nêu trên thì đã phạm tội không phụ thuộc vào việc đã chiếm đoạt được tài sản hay chưa.
Trên thực tiễn, có nhiều chủ nợ, chủ tài sản vì không thể kiên nhẫn đòi nợ đúng pháp luật vì mất thời gian. Nhiều con nợ còn có thái độ thách thức, chây ì, cố tình không trả hay lẩn trốn, không nghe điện thoại, nhắn tin không trả lời. Vì vậy, chủ nợ đã đi tìm, khi gặp thì hai bên thường xảy ra to tiếng với nhau. Trong lúc nóng giận, chủ nợ hoặc chủ tài sản có thể dùng vũ lực như đánh, đấm, tát hoặc đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc để yêu cầu con nợ hoặc người mượn viết giấy nhận nợ hoặc trả tài sản cho mình, thậm chí là thu giữ điện thoại, xe máy để làm tin, khi nào trả nợ thì nhận lại đồ của mình.
Xét về nguyên nhân, động cơ, mục đích phạm tội thì tội “Cướp tài sản” là mong muốn chiếm đoạt tài sản của người khác trái pháp luật, trong khi đó người đi đòi nợ hoặc đòi tài sản là “cướp tài sản” của chính mình. Đòi nợ trái pháp luật là không hoàn toàn thỏa mãn các dấu hiệu hành vi cấu thành tội “Cướp tài sản” quy định tại Điều 168 Bộ luật Hình sự 2015. Tuy nhiên, do Bộ luật hình sự 2015 không có tội đòi nợ trái pháp luật nên trên thực tiễn xét xử có rất nhiều vụ việc tương tự như trên đã bị xét xử tội cướp tài sản theo điều 168 BLHS 2015.
Một vụ án xảy ra trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, Ông Nguyễn T. T - Giám đốc bệnh viện T.H.P có nợ tiền vợ chồng Đặng Q. T và H, nhiều lần đòi chưa trả. Ngày 21/12/2019, anh T đến bệnh viện để đòi nợ ông T. T, khi phát hiện em trai ông T. T cầm túi tiền vào phòng làm việc. Anh T đã nảy sinh ý định lấy túi tiền để trừ vào khoản nợ nên T tự ý mở ngăn kéo lấy túi tiền, khi ông T. T giằng lại thì anh T không trả mà tiếp tục giằng lấy túi tiền trên đồng thời dùng tay tác động vật lý, đe dọa và dùng cây bút bi đâm một nhát vào vai ông T. T, ngay sau đó bị lực lượng Công an tỉnh Đồng Nai đến lập hồ sơ xử lý. VKSND tỉnh Đồng Nai truy tố bị cáo Đặng Q. T về tội “Cướp tài sản” theo quy định tại khoản 4 Điều 168 BLHS. Tại phiên tòa sơ thẩm, HĐXX xử phạt bị cáo 16 năm tù về tội "Cướp tài sản".
(Luật sư Công ty Luật TNHH Sao Thủ Đô tham gia bào chữa cho bị cáo ở giai đoạn phúc thẩm, sẽ có một bài viết riêng nói về vụ án này. Luật sư bảo vệ cho bị cáo thành công, được giảm án từ 16 năm tù xuống còn 5 năm tù)
Có thể thấy, Mức độ xử lý khác nhau tùy vào tính chất vụ việc, Ranh giới giữa thu hồi nợ hợp pháp và không hợp pháp là rất mong manh. Chỉ cần một hành vi “dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực”, làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được là đã có dấu hiệu phạm tội hình sự.
Trường hợp chủ nợ, chủ tài sản chỉ đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người vay để chiếm đoạt tài sản thì tùy theo tính chất, mức độ mà người này có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm e, khoản 2, Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP: người nào cưỡng đoạt tài sản của người khác mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xử phạt từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng và buộc phải trả lại tài sản đã cưỡng đoạt được của người khác.
Trường hợp có một hành vi như dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực hoặc có hành vi khác làm cho người tấn công lâm vào tình trạng không thể chống được nhằm chiếm đoạt tài sản thì có thể bị xử phạt từ 1 đến 20 năm tù, hoặc Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản theo điều 168 BLHS 2015.
Chính vì vậy, lời cảnh báo cho chủ nợ, chủ tài sản là cần bình tĩnh, không dùng vũ lực khi đòi nợ và cần kiên nhẫn, hành động đúng pháp luật để lấy lại tài sản của mình một cách hợp pháp. Thiết nghĩ, Bộ luật hình sự 2015 nên thêm tội “Đòi nợ trái pháp luật” và quy định rõ dấu hiệu cấu thành tội phạm này hoặc bổ sung vào tội cướp tài sản một khoản mà người phạm tội có động cơ, mục đích giống đòi nợ trái pháp luật nhằm xử lý hành vi của chủ nợ. Điều này giúp xử lý đúng người, đúng tội và không quá nặng với chủ nợ và phù hợp với tính chất, mức độ phạm tội.
Trên đây là bài viết trình bày quan điểm của Luật gia Hồ Hồng. Nếu có bất cứ vướng mắc nào cần tư vấn, vui lòng liên hệ đến số hotline: 094.666.1816 để được hỗ trợ trực tiếp.
LG. Hồ Hồng
DỊCH VỤ PHÁP LÝ TIÊU BIỂU
DỊCH VỤ PHÁP LÝ TIÊU BIỂU
- Giới thiệu Công ty Luật Sao Thủ Đô
- Đền bù đất đai
- THÔNG BÁO: Về việc phòng, chống dịch Covid-19
- 2 năm đi tìm công lý
- THÔNG BÁO NGHỈ LỄ
- LỰA CHỌN THẨM QUYỀN XÉT XỬ KHI CÁC BỊ CÁO TRONG VỤ ÁN VỪA THUỘC THẨM QUYỀN XÉT XỬ CỦA CẢ TÒA ÁN NHÂN DÂN VÀ TÒA ÁN QUÂN SỰ
- QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA BỊ ĐƠN DÂN SỰ
- ĐÒI NỢ BẤT HỢP PHÁP CÓ THỂ BỊ TRUY TỐ VỀ TỘI CƯỚP TÀI SẢN VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN LƯU Ý