• CÔNG TY LUẬT TNHH SAO THỦ ĐÔ

      Luôn đồng hành cùng bạn

    Tổng đài tư vấn

    0946661816

    Luôn đồng hành cùng bạn

    CÔNG TY LUẬT TNHH SAO THỦ ĐÔ

    ×

    BÀI VIẾT & HỎI ĐÁP

    NGUYÊN ĐƠN DÂN SỰ LÀ AI? PHÁP LUẬT QUY ĐỊNH HỌ CÓ QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ NHƯ THẾ NÀO?

  • Thứ hai , Ngày 26/02/2024
  • Nguyên đơn theo nghĩa thông thường được hiểu là người đi khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của họ bị xâm phạm, cần được bảo vệ. Vậy còn khái niệm “nguyên đơn dân sự” được hiểu như thế nào? Liệu nguyên đơn dân sự có phải là nguyên đơn trong vụ án dân sự? Nguyên đơn dân sự có thể là bị hại hay không, họ có quyền và nghĩa vụ gì? Bài viết dưới đây sẽ chỉ ra các quy định pháp luật và phân tích làm rõ những vấn đề này.

    Nguyên đơn dân sự là ai?

    Trước hết, phải khẳng định “nguyên đơn dân sự” không phải là nguyên đơn trong vụ án dân sự. Nguyên đơn trong vụ án dân sự khi tham gia tố tụng sẽ được xác định tư cách là “nguyên đơn”. Việc sử dụng thuật ngữ pháp lý “nguyên đơn dân sự” là nhằm phân biệt với nguyên đơn trong vụ án dân sự; nguyên đơn dân sự ở đây là để xác định tư cách đương sự trong vụ án hình sự. Điều cần lưu ý là,

    nguyên đơn dân sự trong vụ án hình sự là chủ thể bị thiệt hại do có yếu tố tội phạm gây ra, còn nguyên đơn trong vụ án dân sự có thể không bị thiệt hại và nếu có thiệt hại thì cũng không phải do tội phạm gây ra.

    Theo đó, Điều 63 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “Nguyên đơn dân sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức bị thiệt hại do tội phạm gây ra và có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại”.

    Trong vụ án hình sự, hành vi phạm tội không chỉ gây ra thiệt hại cho bị hại mà còn gây ra thiệt hại cho những đối tượng khác nên vấn đề bồi thường thiệt hại cho những chủ thể bị thiệt hại cũng cần được giải quyết, do vậy, nếu tội phạm đã gây thiệt hại cho cá nhân, cơ quan, tổ chức thì Cơ quan Điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án không chỉ có nhiệm vụ điều tra, truy tố, xét xử vụ án, áp dụng hình phạt đối với người phạm tội mà còn phải giải quyết cả việc bồi thường thiệt hại.

    Nguyên đơn dân sự là đối tượng bị thiệt hại do tội phạm gây ra và có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại. Nguyên đơn dân sự là cá nhân bị thiệt hại về vật chất, tinh thần, sức khỏe (trường hợp chưa đủ yếu tố truy cứu trách nhiệm hình sự) hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe doạ gây ra. Nếu nguyên đơn dân sự là người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần thì cha, mẹ, người giám hộ cho họ tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện hợp pháp của họ. Trường hơp nguyên đơn dân sự chết thì cha, mẹ, vợ, chồng, con của họ tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện hợp pháp của nguyên đơn dân sự và có những quyền của nguyên đơn dân sự. Nếu nguyên đơn dân sự là cơ quan, tổ chức thì đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức tham gia với tư cách là đại diện hợp pháp của pháp nhân đó. Trường hợp người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức không thể tham gia tố tụng được thì cơ quan, tổ chức phải cử người khác làm đại diện hợp pháp của nguyên đơn dân sự và có những quyền của nguyên đơn dân sự. Trường hợp cơ quan, tổ chức thay đổi người đại diện thì pháp nhân phải thông báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Nếu cơ quan, tổ chức không có người địa diện theo pháp luật hoặc có nhiều người cùng là đại diện theo pháp luật thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định một người đại diện cho pháp nhân tham gia tố tụng.

    Phân biệt bị hại và nguyên đơn dân sự

    Bị hại và nguyên đơn dân sự đều có chủ thể là cá nhân, cơ quan, tổ chức và có một số quyền như nhau theo quy định tại Điều 62, 63 BLTTHS. Ngoài ra bị hại còn có thêm một số quyền mà nguyên đơn dân sự không có như: Được tham gia tố tụng ngay cả trong trường hợp không có yêu cầu, quyền trình bày buộc tội tại phiên toà, quyền đề nghị hình phạt, quyền kháng cáo bản án, quyết định của Toà án (nguyên đơn dân sự chỉ có quyền kháng cáo về phần bồi thường thiệt hại).

    Tuy nhiên trên thực tiễn còn xảy ra việc xác định tư cách tham gia tố tụng không chính xác, nhất là trường hợp đối tượng bị thiệt hại là cơ quan, tổ chức. Vì vậy, để phân biệt bị hại và nguyên đơn dân sự thì căn cứ vào những điểm sau:

    - Về thiệt hại xảy ra:

    + Bị hại: Bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản, uy tín (nếu là cơ quan, tổ chức)

    + Nguyên đơn dân sự: Chỉ bị thiệt hại về tài sản.

    - Về quan hệ nhân quả giữa hành vi và thiệt hại xảy ra:

    + Bị hại bị thiệt hại trực tiếp từ hành vi phạm tội, mục đích của người phạm tội là trực tiếp gây ra thiệt hại cho chủ thể này.

    Ví dụ: A trộm cắp tài sản của cơ quan X và bị khởi tố. Theo quy định của BLTTHS năm 2003 thì cơ quan X là nguyên đơn dân sự nhưng theo BLTTHS năm 2015 thì cơ quan X là bị hại trong vụ án hình sự.

    + Nguyên đơn dân sự bị thiệt hại gián tiếp từ hành vi phạm tội, mục đích của người phạm tội không nhằm trực tiếp gây ra thiệt hại cho chủ thể này.

    Ví dụ: A đánh B gây thương tích tại trụ sở cơ quan X. Hậu quả làm B bị thương còn cơ quan X cũng bị hư hỏng một số tài sản. A bị khởi tố về tội cố ý gây thương tích. Trong trường hợp này cơ quan X là nguyên đơn dân sự trong vụ án hình sự nếu có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại.

    Quyền và nghĩa vụ của nguyên đơn dân sự

    Điều 63 BLTTHS năm 2015 quy định như sau:

    Nguyên đơn dân sự hoặc người đại diện của họ có quyền:

    • Được thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ theo quy định của BLTTHS;

    • Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;

    • Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;

    • Được thông báo kết quả điều tra, giải quyết vụ án;

    • Yêu cầu giám định, định giá tài sản theo quy định của pháp luật;

    • Đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật;

    • Đề nghị mức bồi thường thiệt hại, biện pháp bảo đảm bồi thường bởi họ là người bị tội phạm gây ra thiệt hại.

    Mức bồi thường mà nguyên đơn dân sự đề nghị có thể được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chấp nhận, chấp nhận một phần hoặc không chấp nhận. Các biện pháp đảm bảo bồi thường có thể là những biện pháp cưỡng chế tố tụng như: kê biên tài sản, tịch thu tài sản, tạm giữ tài sản. Khi giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại, có quan có thẩm quyền phải tuân theo các quy định tại Điều 30 BLTTHS 2015 và Chương XX Bộ luật Dân sự 2015 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng từ Điều 584 đến Điều 608.

    • Tham gia phiên toà, trình bày ý kiến, đề nghị chủ toạ phiên toà hỏi người tham gia phiên toà; tranh luận tại phiên toà để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn; xem biên bản phiên toà;

    • Tự bảo vệ, nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình;

    • Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;

    • Kháng cáo bản án, quyết định của Toà án về phần bồi thường thiệt hại;

    • Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

    Nguyên đơn dân sự có nghĩa vụ:

    • Có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;

    • Trình bày trung thực những tình tiết liên quan đến việc bồi thường thiệt hại;

    • Chấp hành quyết định, yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

    Trên đây là những giải đáp của Luật gia Vũ Linh Chi – Công ty Luật TNHH Sao Thủ Đô về vấn đề nguyên đơn dân sự; quyền và nghĩa vụ của nguyên đơn dân sự theo quy định của pháp luật.

    Nếu bạn cần tư vấn về vấn đề khác có liên quan, vui lòng liên hệ số hotline 0946661816 để được hỗ trợ trực tiếp.

    LG. Vũ Linh Chi

    DỊCH VỤ PHÁP LÝ TIÊU BIỂU

    DỊCH VỤ PHÁP LÝ TIÊU BIỂU

    CÙNG CHUYÊN ĐỀ

    CÙNG CHUYÊN ĐỀ

    CÙNG CHUYÊN ĐỀ

    HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN

    Tổng đài tư vấn0946661816

    ĐỘI NGŨ LUẬT SƯ

  • LIÊN KẾT TRANG