• CÔNG TY LUẬT TNHH SAO THỦ ĐÔ

      Luôn đồng hành cùng bạn

    Tổng đài tư vấn

    0946661816

    Luôn đồng hành cùng bạn

    CÔNG TY LUẬT TNHH SAO THỦ ĐÔ

    ×

    BÀI VIẾT & HỎI ĐÁP

    TÒA ÁN CÓ THỂ XÉT XỬ BỊ CÁO THEO KHUNG HÌNH PHẠT HOẶC KHOẢN HOẶC TỘI DANH NẶNG HƠN MÀ VIỆN KIỂM SÁT TRUY TỐ

  • Thứ năm , Ngày 01/02/2024
  • Khoản 2,3 Điều 298 BLTTHS năm 2015 quy định:

    “2. Tòa án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà Viện kiểm sát đã truy tố.

    3. Trường hợp xét thấy cần xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh Viện kiểm sát truy tố thì Tòa án trả hồ sơ để Viện kiểm sát truy tố lại và thông báo rõ lý do cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, người bào chữa biết; nếu Viện kiểm sát vẫn giữ tội danh đã truy tố thì Tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn đó”.

    I. Quy định pháp luật và thực tiễn áp dụng:

    Khoản 2,3 Điều 298 BLTTHS năm 2015 quy định:

    “2. Tòa án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà Viện kiểm sát đã truy tố.

    3. Trường hợp xét thấy cần xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh Viện kiểm sát truy tố thì Tòa án trả hồ sơ để Viện kiểm sát truy tố lại và thông báo rõ lý do cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, người bào chữa biết; nếu Viện kiểm sát vẫn giữ tội danh đã truy tố thì Tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn đó”.

    Do các văn bản pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về trình tự thủ tục nên trong thực tiễn còn có nhiều quan điểm, cách hiểu, cách áp dụng khác nhau về việc trả hồ sơ điều tra bổ sung, về quyền thay đổi quyết định truy tố của Viện kiểm sát và việc đảm bảo quyền bào chữa của bị cáo khi Tòa án xét xử khoản khác hoặc tội danh nặng hơn với khoản mà Viện kiểm sát truy tố trong cùng một điều luật theo Điều 298 BLTTHS năm 2015.

    Điều 298 BLTTHS năm 2015 quy định là Tòa án phải trả hồ sơ cho Viện kiểm sát truy tố lại trong trường hợp xét xử tội danh nặng hơn so với tội danh mà Viện kiểm sát truy tố nhưng không có quy định nào bắt buộc Tòa án phải trả hồ sơ cho Viện kiểm sát đối với trường hợp Tòa án xét xử bị cáo về khoản khác nặng hơn với khoản mà Viện kiểm sát truy tố trong cùng một điều luật. Do đó, việc trả hay không trả hồ sơ điều tra bổ sung trong trường hợp này phụ thuộc vào việc phân tích, đánh giá chứng cứ và các tình tiết khách quan trong từng vụ án cụ thể của Thẩm phán chủ tọa và Hội đồng xét xử:

    + Trường hợp có cơ sở xác định bị cáo có hành vi phạm tội ở khoản nặng hơn nhưng cần thiết điều tra bổ sung như lấy lời khai của những người tham gia tố tụng mà cơ quan điều tra chưa xác định và thực hiện trong hồ sơ vụ án, cần định giá lại tài sản, giám định lại… hoặc cần làm rõ thêm các tình tiết khác của vụ án được quy định khoản 1 Điều 280 BLTTHS năm 2015 thì Tòa án phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung và để Viện kiểm sát truy tố lại, đồng thời thông báo rõ lý do cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, người bào chữa biết. Sau khi điều tra bổ sung mà Viện kiểm sát vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố thì Tòa án có quyền xét xử khoản khác nặng hơn nếu đã đủ căn cứ.

    + Trường hợp có đầy đủ cơ sở xác định hành vi phạm tội của bị cáo thuộc khoản nặng hơn của điều luật; tuy nhiên quá trình truy tố, Viện kiểm sát chưa xem xét kỹ càng, có sai lầm về cách nhận định, đánh giá chứng cứ, áp dụng pháp luật hoặc nhầm lẫn về số liệu, tính toán… thì không bắt buộc Tòa án phải trả hồ sơ cho Viện kiểm sát mà tiến hành các thủ tục để xét xử vụ án. Bởi lẽ, việc trả hồ sơ trong trường hợp này cũng chỉ mang tính hình thức, Viện kiểm sát có thay đổi hay không thay đổi truy tố thì cuối cùng Tòa án cũng sẽ xét xử bị cáo theo khoản khác nặng hơn.

    Trường hợp xét xử khoản nặng hơn với khoản Viện kiểm sát đã truy tố thì trong quyết định xét xử buộc phải ghi rõ tội danh, điều, khoản của Bộ luật hình sự mà Viện kiểm sát truy tố và tội danh, điều, khoản của Bộ luật hình sự mà Tòa án sẽ xét xử. Việc ghi rõ khung hình phạt nặng hơn mà Tòa án dự kiến xét xử nhằm tạo điều kiện cho bị cáo biết trước để tự bào chữa cho mình, nhờ người khác bào chữa. Nếu khung hình phạt nặng hơn mà phải chỉ định người bào chữa theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự thì Tòa án phải đảm bảo thực hiện đúng quy định này. Ngoài ra, trong quá trình xét hỏi, tranh luận Hội đồng xét xử phải điều khiển việc tranh tụng theo khung hình phạt đó để tạo điều kiện cho bị cáo thực hiện quyền bào chữa của mình.

    Tuy nhiên, trong thực tiễn xét xử một số vụ án, sau khi Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử hoặc tại phiên tòa thì Tòa án và Viện kiểm sát mới xác định bị cáo phạm tội ở khung hình phạt nặng hơn nên quyết định xét xử đã ban hành không ghi rõ tội danh, điều, khoản của Bộ luật hình mà Tòa án dự kiến xét xử. Bộ luật tố tụng hình năm 2015 không có quy định về việc tạm ngừng hay hoãn phiên tòa trong trường hợp này để đảm bảo quyền bào chữa. Vì vậy, nếu xử theo khoản nặng hơn sẽ gây bất lợi cho bị cáo và vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng nên buộc Tòa án phải trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để truy tố lại theo khoản nặng hơn. Điều này tạo nên một vòng tròn tố tụng kéo dài không cần thiết, cũng như phần nào gây khó khăn, ảnh hưởng trong quan hệ phối hợp giữa Tòa án và Viện kiểm sát.

    Trong thực tiễn, nhiều trường hợp sau khi hồ sơ vụ án được chuyển sang Tòa án, qua trao đổi thì Viện kiểm sát cũng đã thống nhất xác định bị cáo phạm tội ở khung hình phạt nặng hơn và muốn thay đổi, bổ sung nội dung truy tố nhưng không có quy định pháp luật nào cho phép Viện kiểm sát có quyền thay đổi, bổ sung trong quá trình chuẩn bị xét xử.

    Tại Điều 306 BLTTHS năm 2015 quy định “Trước khi tiến hành xét hỏi, Kiểm sát viên công bố bản cáo trạng và trình bày ý kiến bổ sung (nếu có). Ý kiến bổ sung không được làm xấu đi tình trạng của bị cáo”. Như vậy, tại phiên tòa cũng không có quy định cho phép Viện kiểm sát được thay đổi, bổ sung nội dung bản cáo trạng về khung hình phạt nặng hơn. Vấn đề này gây nên sự thiếu linh hoạt trong quá trình tiến hành tố tụng, trong khi rõ ràng Tòa án đã ra Quyết định xét xử có nội dung sẽ xét xử về khoản nặng hơn và Viện kiểm sát cũng thống nhất với quan điểm của Tòa án.

    Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 321 BLTTHS năm 2015 quy định: “Luận tội của Kiểm sát viên phải căn cứ vào những chứng cứ, tài liệu, đồ vật đã được kiểm tra tại phiên tòa và ý kiến của bị cáo, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa”.

    Như vậy, khi phát biểu luận tội thì Viện kiểm sát có quyền thay đổi ý kiến luận tội đối với bị cáo theo khoản khác nặng hơn trong cùng điều luật. Điều này cũng phù hợp với mô hình tố tụng hình sự hiện nay. Bản luận tội không phải là một văn bản cứng nhắc đã được soạn thảo từ trước mà phải căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa.

    ii. Kiến nghị, đề xuất

    - Đề nghị có hướng dẫn cụ thể các trường hợp Tòa án phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung và trường hợp Tòa án có quyền tiến hành thủ tục xét xử vụ án mà không cần trả hồ sơ cho Viện kiểm sát truy tố lại khi xét xử bị cáo ở khoản nặng hơn với khoản mà Viện kiểm sát truy tố.

    - Bổ sung quy định trong trường hợp tại phiên tòa có đầy đủ cơ sở xác định hành vi của bị cáo sẽ bị xét xử ở khoản nặng hơn thì chỉ cần tạm ngừng phiên tòa hoặc hoãn phiên tòa nếu bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, người bào chữa (nếu có) yêu cầu để có thời gian chuẩn bị cho việc bào chữa, nhờ người bào chữa hoặc trường hợp buộc phải chỉ định người bào chữa nhằm đảm bảo quyền bào chữa cho bị cáo mà không cần thiết phải trả hồ sơ để Viện kiểm sát truy tố lại.

    - Cần có quy định về quyền được thay đổi nội dung truy tố của Viện kiểm sát trong giai đoạn chuẩn bị xét xử và tại phiên tòa khi Viện kiểm sát cũng có quan điểm thống nhất hành vi phạm tội của bị cáo thuộc khoản nặng hơn với khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật.

    Bài viết giải đáp của Luật sư Đỗ Đăng Hải - thuộc Công ty Luật TNHH Sao Thủ Đô. Mọi vấn đề cần Luật sư tư vấn vui lòng liên hệ qua hotline 094.666.1816

    LS. Đỗ Đăng Hải

    DỊCH VỤ PHÁP LÝ TIÊU BIỂU

    DỊCH VỤ PHÁP LÝ TIÊU BIỂU

    CÙNG CHUYÊN ĐỀ

    CÙNG CHUYÊN ĐỀ

    CÙNG CHUYÊN ĐỀ

    HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN

    Tổng đài tư vấn0946661816

    ĐỘI NGŨ LUẬT SƯ

  • LIÊN KẾT TRANG