CÔNG TY LUẬT TNHH SAO THỦ ĐÔ
Luôn đồng hành cùng bạn
Tổng đài tư vấn
0946661816Luôn đồng hành cùng bạn
BÀI VIẾT & HỎI ĐÁP
ĐÒI NỢ TRÁI PHÁP LUẬT, HẬU QUẢ HỨNG CHỊU ĐẾN ĐÂU?
Vừa qua, Công ty Luật TNHH Sao Thủ Đô chia sẻ bài viết cảnh báo về vấn đề “Đòi nợ bất hợp pháp có thể bị truy tố về tội cướp tài sản và những vấn đề cần lưu ý”. Trong bài viết có chia sẻ một vụ án liên quan, xảy ra trên địa bàn tỉnh Đ.
Nội dung vụ án:
Ông Nguyễn T. T (gọi là T) - Giám đốc bệnh viện T.H.P có nợ tiền vợ chồng Đặng Q. T (gọi là T1), nhiều lần đòi chưa trả. Ngày 21/12/2019, H (vợ T1) đến bệnh viện để thu tiền nợ, khi ngồi ngoài văn phòng ông T, H thấy ông V (em trai ông T) mang túi nilon màu trắng đựng tiền vào cho ông T. Thấy vậy, H nhắn tin cho T1 đến bệnh viện để đòi nợ. Khoảng 17h cùng ngày, T1 đến bệnh viện, thời điểm này có nhiều người cùng đến đòi tiền ông T.
Khi vợ chồng T1 và H vào phòng ông T để đòi nợ, ông T nói chưa có tiền trả cho vợ chồng T1 và H nên cả hai bực tức chửi ông T. Lúc này T1 thấy ông T lấy tiền từ bịch nilon màu trắng do em ông T mang đến bỏ vào một túi nilon màu đỏ có sẵn tiền (theo lời khai của ông T là lấy 20 triệu đồng từ bịch nilon màu trắng trắng bỏ vào túi màu đỏ có sắn 30 triệu) rồi đi ra trả tiền thuốc. Sau khi ông T đi, H vợ T1 tự ý mở ngăn kéo làm việc của ông T thì thấy có tiền nên nhắn T1 vào lấy tiền để trừ vào khoản nợ (H nhìn thấy có khoảng hơn 200.000.000 đồng). Về phía ông T khi đi ra khỏi phòng, thấy có nhiều người ngồi chờ đòi tiền bên ngoài, nên đã quay lại phòng cất túi tiền vào ngăn kéo bàn. T1 cũng đi theo ông T vào phòng.
Tại đây vợ chồng T1 và H tiếp tục chửi ông T và đòi tiền, khi lấy không được T1 liền cầm lấy 1 cây bút bi trên bàn ông T liên tục đâm xuống bàn đe dọa. Sau đó, T1 đi đến chỗ ông T đang ngồi trên ghế tại bàn làm việc và lấy tay mở ngăn kéo lấy bịch nilon đựng tiền màu trắng, ông T đứng dậy dùng hai tay giằng lại, nói “chú không làm thế được”. T1 tiếp tục dùng tay trái giữ bịch tiền nói “ông có tiền không trả, ông ăn cướp à”, cả hai bên giằng co nhau bịch nilon đựng tiền, T1 cầm cây viết lên đe dọa đồng thời dùng tay đánh vào ngực ông T nhưng ông T vẫn cố nắm giữ lại bịch tiền nên T1 buông tay. Sau đó, T1 cầm cây bút đe dọa, rồi đâm một cái vào vai ông T. Thấy vậy chị D vào can ngăn thì T1 bỏ ra ngoài, khoảng 10 phút sau T1 quay lại rồi lấy 1 cái la bàn để trên mặt bàn ném vào ông T. Chị D tiếp tục can ngăn thì T1 bỏ ra ngoài một lúc sau bị lực lượng Công an đến bắt giữ và lập hồ sơ xử lý.
Anh Đặng Q. T bị VKSND tỉnh Đ truy tố về tội “Cướp tài sản” theo quy định tại khoản 4 Điều 168 BLHS. Tại bản án sơ thẩm số 05/2022/HS-ST TAND tỉnh Đ đã tuyên bố bị cáo Đặng Q. T phạm tội “Cướp tài sản”, áp dụng điểm a khoản 4 Điều 168, khoản 2 điều 51 BLHS xử phạt bị cáo Đặng Q. T 16 năm tù.
Tai phiên tòa phúc thẩm Luật sư đã trình bày ý kiến bảo vệ cho bị cáo như sau:
1. Động cơ, mục đích của bị cáo là đến đòi nợ, hành vi xâm phạm vào tài sản của ông T là nhất thời:
Từ việc ông T hẹn đến trả tiền và thực tế đang có tiền nhưng không trả nợ lại có những lời nói, hành động thể hiện không muốn trả tiền. Từ hành vi xử sự này đã gây bức xúc, kích động đến tâm lý của bị cáo dẫn đến ức chế và có hành vi mở ngăn kéo tủ của ông T lấy bọc nilon đựng tiền. Vừa để chứng minh rằng ông T có tiền nhưng không chịu trả vừa để buộc ông T phải thanh toán trả khoản tiền hiện đang nợ.
- Phân tích về hành vi phạm tội của bị cáo, thông qua các tài liệu chứng cứ trong vụ án thấy, khi giằng co bịch nilon tiền bị cáo dùng tay phải đánh vào ngực ông T nhưng sau đó đã tự ý bỏ bịch tiền thể hiện bị cáo không có ý thức dùng vũ lực nhằm chiếm đoạt tài sản đến cùng. Trong khi đó bị cáo có nhiều lợi thế để lựa chọn hành động tấn công đè bẹp ý chí ông T để chiếm đoạt bịch tiền, nhưng bị cáo không thực hiện, bị cáo buông bịch tiền là hoàn toàn tự ý.
- Hành vi của bị cáo cầm bút bi đâm vào vai ông T diễn ra sau khi việc giằng co bịch tiền đã chấm dứt (tại kết luận điều tra); tiếp sau đó bị cáo bỏ đi một lát rồi quay lại có ném chiếc la bàn vào ông T, diễn biến các hành vi này ngắt quãng sau khi đã chấm dứt hành vi giằng co túi nilon đựng tiền một khoảng thời gian, nguyên nhân là do bị cáo quá ức chế tâm lý, thiếu kiềm chế hành vi, hành động cho bõ tức, do đó không thể ghép các hành vi này cùng các hành vi trước đó để thu hút vào cùng một hành vi dùng vũ lực để chiếm đoạt tài sản. Trong trường hợp các hành vi này nếu gây ra hậu quả đến mức phải xử lý trách nhiệm hình sự thì sẽ cấu thành một tội phạm khác.
2. Về số lượng tiền là vật chứng quan trọng và không thể chứng minh được rõ ràng:
Trong quá trình tiến hành tố tụng tại cấp sơ thẩm, tại hồ sơ vụ án, lời khai của bị cáo, bị hại trước và trong phiên tòa sơ thẩm đều có lời khai khác nhau về số tiền đựng trong bịch nilon màu trắng khi giằng co.(biên bản kiểm đếm là 500 triệu đồng) Trong hồ sơ vụ án chưa có tài liệu, chứng cứ thuyết phục chứng minh chính xác số tiền đựng trong bịch nilon (khi bị cáo giằng co với bị hại) là bao nhiêu với lý do sau:
Sự việc giằng co bịch tiền giữa ông T và bị cáo xảy ra khoảng 17 giờ 27 phút (BL 222) ngày 21/12/2019. Biên bản kiểm đếm diễn ra lúc 19 giờ 10 phút ngày 21/12/2019 (sau gần 2 giờ). Câu hỏi đặt ra trong khoảng thời gian này số tiền trong bịch nilon liệu có bị thay đổi hay không?
Theo tài liệu vụ án thì công an có mặt ngay sau sự việc xảy ra nhưng không thu giữ, niêm phong, vật chứng (bịch nilon đựng tiền) theo đúng quy định tại Điều 90 Bộ luật tố tụng hình sự; Nghị định số 127/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ, quy định chi tiết việc niêm phong, mở niêm phong vật chứng. Trong hồ sơ vụ án chỉ thể hiện có một Biên bản thu giữ đồ vật vào lúc 19 giờ 30 ngày 21/12/2019 tức là thu giữ sau khi kiểm đếm như vậy không thật sự khách quan. Tại biên bản kiểm đếm số tiền do ông T nộp chỉ có điều tra viên, người làm chứng không có mặt của bị cáo Tuy nhiên sáng hôm sau mới đưa cho bị cáo ký (lý do vào cùng thời gian đó bi cáo đã dẫn giải về trụ sở công an để lấy lời khai).
- Tại ngăn kéo bàn ông T theo như diễn biến vụ việc, thì còn một bịch nilon đựng tiền nữa (theo tài liệu trong hồ sơ là bịch nilon màu đỏ) cơ quan công an không tiến hành thu giữ để đối chứng số tiền bị hại đã khai nhằm đánh giá chính xác tổng số tiền có khớp với lời khai của bị hại hay không, từ cơ sở đó không đủ căn cứ để xác định chính xác số tiền trong bịch nilon màu trắng khi bị cáo giằng co là 500 triệu đồng.
- Vật chứng (bịch tiền) là do bị hại tự đem nộp không phải cơ quan điều tra thu giữ một cách ngẫu nhiên; Hình ảnh Camera không thể hiện khi ông T giằng lại được bịch nilon màu trắng cất vào đâu cho đến khi đem nộp thì bịch tiền này không bị ai tác động vào, trong khi đó quyền lợi giữa bị cáo, bị hại đối lập nhau. Mặt khác về phía bị hại cũng đã có những lời khai xác nhận lại số tiền khi giằng co là 170 triệu chứ không phải là 500 triệu. Từ những cơ sở nêu trên cho thấy chưa có cơ sở vững chắc để khẳng định bịch tiền mà bị cáo T1 giằng co với ông T là 500 triệu như cấp sơ thẩm đánh giá và đến nay cũng không thể có cách nào để điều tra, xác minh lại được vì số tiền là tang vật của vụ án đã trả lại cho ông T ngay sau khi kiểm đếm. việc trả lại tiền là vi phạm thủ tục tố tụng, do đó có cơ sở đề nghị chủ tọa chấp nhận bịch tiền khi giằng co là 170 triệu đồng như bị hại đã thừa nhận.
- Ngoài những nội dung nêu trên thì về quá trình tố tụng vụ án một số tài liệu của cơ quan điều tra có dấu hiệu của việc hợp thức hóa văn bản, vi phạm tố tụng, nên không được coi là chứng cứ chứng minh trong vụ án.
Từ những phân tích nêu trên luật sư trình bày quan điểm và nêu ý kiến đề nghi Hội đồng xem xét đánh giá hành vi phạm tội của bị cáo T1 xuất phát từ động cơ, mục đích là đòi nợ, nhưng bị cáo đã không tuân thủ theo các quy định của pháp luật về đòi tài sản tại Bộ luật dân sự mà đã có những hành vi đe dọa với ông T để buộc ông T phải trả nợ, hành vi này tuy mục đích là đòi nợ nhưng bị cáo đã tự ý xâm phạm đến quyền tài sản của bị hại.
HĐXX cấp phúc thẩm xem xét đề nghị của Luật sư, đánh giá số tiền khi bị cáo giằng co không phải là 500 triệu đồng mà chỉ là 170 triệu như bị hại sau này xác nhận và chấp thuận đề nghị xem xét bị cáo được áp dụng các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo:
- Phạm tội nhưng chưa đạt.
- Phạm tội chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn.
- Hợp tác và khai báo thành khẩn đúng với hành vi phạm tội, ăn năn sau khi phạm tội.
- Bị cáo có cha mẹ là người có công với cách mạng.
Hội đồng xét xử áp dụng điểm đ khoản 2 điều 168, điểm h, s khoản 1 Điều 51, khoản 1 Điều 52 bộ luật hình sự; điểm b khoản 1 Điều 355, điểm b, khoản 1 Điều 357 bộ luật tố tụng hình sự, đã sửa bản án sơ thẩm, tuyên bố bị cáo Đặng Q.T phạm tội “cướp tài sản”, xử phạt bị cáo 5 năm tù.
Vai trò của luật sư trong hoạt động tố tụng nói chung và hoạt động tranh tụng tại phiên tòa nói riêng có vị trí đặc biệt quan trọng, góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho bị cáo, giúp Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án giải quyết vụ án khách quan, đúng pháp luật, tránh làm oan người vô tội nhưng cũng không bỏ lọt tội phạm. Có thể khẳng định rằng, vai trò của luật sư được thể hiện rõ nét nhất thông qua việc tranh tụng tại phiên tòa. Điều này đảm bảo tính công khai, dân chủ, công bằng, không lệ thuộc vào ý chí chủ quan của người tiến hành tố tụng, không còn định kiến như quan niệm trước đây là “án tại hồ sơ”, mọi kết luận đều dựa trên hồ sơ của cơ quan tiến hành tố tụng. Việc xác định sự thật của vụ án được quy định: “Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội”.
Trên đây là diễn biến nội dung vụ án và quá trình bào chữa cho thân chủ thành công của Luật sư thuộc Công ty Luật TNHH Sao Thủ Đô trong một vụ án phức tạp. Nếu bạn cần tư vấn những vướng mắc về pháp lý liên quan, vui lòng liên hệ số hotline 094.666.1816 để được hỗ trợ trực tiếp.
DỊCH VỤ PHÁP LÝ TIÊU BIỂU
DỊCH VỤ PHÁP LÝ TIÊU BIỂU
- Tội Mua bán ma túy
- Tội bắc cóc nhằm chiếm đoạt tải sản
- Tội chống người thi hành công vụ
- Tội gây rối trật tự công cộng
- Tội cướp tài sản
- Tội cố ý gây thương tích
- Đi đòi nợ lại phạm tội cướp tài sản
- Luật sư Bùi Văn Kim nêu quan điểm bảo chữa trong vụ án làm thất thoát 1.700 tỷ đồng của Bảo hiểm xã hội
- THẨM QUYỀN XÉT XỬ CỦA TÒA ÁN QUÂN SỰ
- TỔ CHỨC VÀ THẨM QUYỀN CỦA TÒA ÁN QUÂN SỰ ĐƯỢC QUY ĐỊNH NHƯ THẾ NÀO?
- NHẬN HỐI LỘ 2,25 TRIỆU USD SẼ BỊ XỬ LÝ THẾ NÀO? CÓ THỂ PHẢI ĐỐI DIỆN VỚI MỨC ÁN BAO NHIÊU NĂM?
- HÀNH VI GÂY THIỆT HẠI VỀ TÀI SẢN CHO NHÀ NƯỚC HƠN 73,8 TỶ ĐỒNG CỦA BỊ CÁO PHẠM XUÂN THĂNG CÓ THỂ BỊ XÉT XỬ MỨC HÌNH PHẠT BAO NHIÊU NĂM?
- NGƯỜI PHẠM TỘI NHẬN HỐI LỘ NẾU NỘP LẠI SỐ TIỀN NHẬN HỐI LỘ THÌ CÓ ĐƯỢC GIẢM HÌNH PHẠT HAY KHÔNG?
- VAI TRÒ ĐỒNG PHẠM VỀ HÀNH VI ĐƯA HỐI LỘ CỦA KẾ TOÁN TRƯỞNG VÀ THỦ QUỸ CÔNG TY VIỆT Á PHẢI ĐỐI DIỆN VỚI MỨC ÁN NHƯ THẾ NÀO?
- TỘI LỢI DỤNG ẢNH HƯỞNG ĐỐI VỚI NGƯỜI CÓ CHỨC VỤ, QUYỀN HẠN ĐỂ TRỤC LỢI SẼ BỊ XỬ LÝ NHƯ THẾ NÀO?
- GÂY THẤT THOÁT 18,9 TỶ ĐỒNG, VKS ĐỀ NGHỊ MỨC ÁN 3-4 NĂM TÙ CHO HAI BỊ CÁO